FARMSTAY CÓ PHẢI DU LỊCH SINH THÁI KHÔNG ?

FARMSTAY CÓ PHẢI DU LỊCH SINH THÁI KHÔNG?
Tôi đã nhận được đề nghị của rất nhiều khách hàng về việc cần tư vấn farmstay. Tuy nhiên khi trò chuyện, tôi nhận ra rằng họ đang hướng đến một khu du lịch sinh thái chứ không phải farmstay. Gần đây, số lượng người nói về du lịch sinh thái tăng nhiều hơn nhưng đa số vẫn chưa hiểu du lịch sinh thái là như thế nào. Bởi vì tất cả các khu du lịch sinh thái tại Việt Nam từ trước đến nay chưa thực sự làm đúng, điều này dẫn đến việc những chủ đầu tư du lịch sinh thái và khách du lịch chưa hiểu hết về khái niệm này. Kể cả các tập đoàn lớn, họ treo biển về một khu du lịch sinh thái nhưng thực ra lại đang “phá” sinh thái.
Bài chia sẻ này đề cập đến định nghĩa và đặc điểm nhận biết của du lịch sinh thái trên thế giới được các tổ chức lớn công nhận (Hiệp hội du lịch sinh thái Hoa Kỳ – ASTA, Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế – TIES,…). Tôi không mong bài viết này định nghĩa lại du lịch sinh thái tại Việt Nam mà chỉ muốn chia sẻ những kiến thức của mình về loại hình du lịch này với mọi người.
1. ĐỊNH NGHĨA DU LỊCH SINH THÁI TRÊN THẾ GIỚI
Vào năm 1987, Hector Ceballos – Lascurain đã đưa ra định nghĩa du lịch sinh thái lần đầu tiên trên thế giới như sau: “Du lịch sinh thái là du lịch đến những khu vực tự nhiên còn ít thay đổi, với những mục đích đặc biệt: Nghiên cứu, tham quan với ý thức trân trọng thế giới hoang dã và những giá trị văn hoá được khám phá”.
Vào năm 1991, M. Epler Wood cũng đưa ra một định nghĩa tương tự: “Du lịch sinh thái là du lịch đến các khu vực còn tương đối hoang sơ với mục đích tìm hiểu về lịch sử môi trường tự nhiên và văn hoá mà không làm thay đổi sự toàn vẹn của các hệ sinh thái. Đồng thời tạo những cơ hội về kinh tế để ủng hộ việc bảo tồn tự nhiên và mang lại lợi ích về tài chính cho người dân địa phương”.
Mặc dù có những quan niệm cơ bản về du lịch sinh thái, song căn cứ vào những đặc thù và mục tiêu phát triển, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức quốc tế đều phát triển vì định nghĩa riêng của mình về du lịch sinh thái.
Năm 1994, nước Úc cũng đưa ra khái niệm của mình: “Du lịch sinh thái là du lịch dựa vào thiên nhiên, có liên quan đến sự giáo dục và diễn giải về môi trường thiên nhiên được quản lý bền vững về mặt sinh thái”.
Còn theo Hiệp hội du lịch sinh thái Hoa Kỳ vào năm 1998 thì: “Du lịch sinh thái là du lịch có mục đích với các khu tự nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hóa và lịch sử tự nhiên của môi trường, không làm biến đổi tình trạng của hệ sinh thái, đồng thời ta có cơ hội để phát triển kinh tế, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và lợi ích tài chính cho cộng đồng địa phương”.
Định nghĩa của Nepal: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch đề cao sự tham gia của nhân dân vào việc hoạch định và quản lý các tài nguyên du lịch để tăng cường phát triển cộng đồng, liên kết giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch, đồng thời sử dụng thu nhập từ du lịch để bảo vệ các nguồn lực mà ngành du lịch phụ thuộc vào nó”.
Định nghĩa của Hiệp hội Du lịch sinh thái quốc tế: “Du lịch sinh thái là việc đi lại có trách nhiệm tới các khu vực thiên nhiên mà bảo tồn được môi trường mới được xem là du lịch sinh thái”.
Nhưng gần đây, người ta cho rằng nội dung căn bản của Du lịch sinh thái là tập trung vào mức độ trách nhiệm của con người đối với môi trường. Theo đó, du lịch sinh thái là du lịch hạn chế tối đa các tác động tiêu cực vào môi trường, hệ sinh thái, văn hoá và bản sắc địa phương. Thêm vào đó, du lịch sinh thái còn phải giúp đỡ bảo tồn lãnh thổ du lịch và giúp đỡ người dân bản địa. Do đó, người ta đã đưa ra một khái niệm mới tương đối đầy đủ hơn:
“Du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương”.
2. ĐỊNH NGHĨA DU LỊCH SINH THÁI TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, định nghĩa của du lịch sinh thái như sau: “Du lịch sinh thái là loại hình dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”. (theo wikipedia).
Trong Luật du lịch Việt Nam 2017 định nghĩa là: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”.
3. DU LỊCH SINH THÁI THEO QUAN ĐIỂM CỦA TÔI
Trong suy nghĩ của tôi, du lịch sinh thái là du lịch nương tựa vào tự nhiên, gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa địa phương, qua đó giúp đỡ cộng đồng địa phương phát triển.
Theo tôi, du lịch sinh thái cần đảm bảo những yếu tố sau:
A. NƯƠNG TỰA VÀO THIÊN NHIÊN
Hoạt động du lịch luôn luôn tác động đến hệ sinh thái tự nhiên theo một cách nào đó, nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Du lịch sinh thái đề cao việc bảo vệ môi trường, giữ vững và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Những hoạt động xây dựng công trình tác động mạnh vào hệ sinh thái như chặt cây, xới đất, chặn suối,… đều là những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên.
Sự tồn tại – phát triển của du lịch sinh thái gắn liền với hệ sinh thái tự nhiên, sự xuống cấp của môi trường, sự suy thoái của các hệ sinh thái đồng nghĩa với suy giảm của hoạt động du lịch sinh thái.
Con người chúng ta có cuộc sống hữu hạn trong khoảng thời gian vô hạn, con người càng tác động tiêu cực vào tự nhiên thì càng tạo ra mất cân bằng sinh thái, lúc đó theo lẽ tự nhiên thì hệ sinh thái phải tự cân bằng. Một số tộc người trên trái đất xây dựng ngôi nhà của họ với triết lý là khi họ rời đi thì ngôi nhà cũng là một phần của tự nhiên – hòa vào thiên nhiên: Tường đất, móng đá (không xi măng), nhà trên cây,…
B. GẮN LIỀN VỚI BẢN SẮC VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG
Bản sắc văn hóa địa phương là một phần không thể tách rời khỏi hệ sinh thái. Nếu hệ sinh thái tượng trưng cho sự tươi mát của thiên nhiên thì bản sắc văn hóa địa phương lại tượng trưng cho sự sống con người. Sự thay đổi hoặc xuống cấp các tập tục văn hoá truyền thống của cộng đồng địa phương dưới tác động của các yếu tố ngoại lai sẽ làm mất đi sự cân bằng sinh thái tự nhiên vốn có của khu vực. Hậu quả của quá trình này tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch sinh thái.
Chính vì vậy, kiến trúc sư thiết kế công trình, người quy hoạch du lịch sinh thái cần nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng về văn hóa địa phương để thiết kế, quy hoạch khu du lịch sinh thái hòa hợp với hệ sinh thái và cộng đồng dân cư xung quanh nhất có thể.
C. GIÚP ĐỠ CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN
Theo tôi thấy, đa số các loại du lịch thiên nhiên ít quan tâm đến vấn đề này và phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động đều thuộc về các công ty du lịch. Hoạt động du lịch sinh thái đúng nghĩa là phải dành một phần đáng kể lợi nhuận từ hoạt động của mình để cải thiện môi trường sống của cộng đồng địa phương.
Ngoài ra, du lịch sinh thái luôn hướng tới việc sử dụng tối đa nguồn lực địa phương, trong đó nhân lực địa phương đảm nhiệm vai trò hướng dẫn viên, cung cấp chỗ ở, thức ăn, nước uống, bán lưu niệm cho du khách,… Qua đó, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ.
Trên đây là những chia sẻ về kiến thức mà tôi tổng hợp được. Tôi hi vọng qua bài viết này, các bạn có nhu cầu xây dựng, phát triển khu du lịch sinh thái sẽ có góc nhìn đúng đắn về loại hình này. Chúc các bạn thành công!
Bài viết liên quan
Gọi điện thoại
0962963114
Chat Zalo